Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Các địa điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Hà Giang

DU LỊCH CỘNG ĐỒNG SINH THÁI Ở HÀ GIANG, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Xây dựng và phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm truyền thống là một trong những chiến lược của tỉnh nhằm thu hút du khách đến với tỉnh Hà Giang, đồng thời, tạo cơ hội cho người dân địa phương có thêm thu nhập, phát triển và ổn định cuộc sống từ hoạt động dịch vụ du lịch. Theo thống kê của ngành du lịch, từ năm 2010 đến tháng 7/2011, lượng du khách đến với Hà Giang đã tăng đột biến: 27 ngàn lượt khách (trong đó, khách quốc tế chiếm gần 90%), tổng doanh thu đạt 280 tỷ đồng (năm 2009- 2010 doanh thu từ du lịch chỉ đạt trên 100 tỷ).


Hà Giang cuốn hút du khách bởi những nét hoang sơ tự nhiên vốn có, sự đa dạng văn hóa sắc tộc của người dân bản địa. Ngược lên vùng cao phía Bắc, hiện ra trước mắt du khách là những cung đường quanh co, uốn lượn, ẩn hiện trong sương mây và cao nguyên đá rộng lớn cao ngất ngưởng với cả rừng đá xám hùng vĩ, đỉnh Mã Pì Lèng cao ngất, bên dưới là dòng sông Nho Quế sâu hun hút… Rẽ sang phía Tây ẩn khuất trong sương sớm mờ ảo những bản làng với những ngôi nhà lá, nhà sàn đơn sơ, nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách, những làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 22 dân tộc anh em chung sống, trong đó đứng đầu là dân tộc H’mong chiếm 31,94 %; dân tộc Kinh chiếm 13,24 %, Tày chiếm 23,2 %, Dao chiếm 15,14 %, Nùng: 9,8 % và các dân tộc thiểu số ít người khác (theo số liệu thống kê năm 2009). Đặc điểm văn hóa của mỗi dân tộc đều có nét riêng biệt, từ phong tục tập quán đến lối sống. Dân tộc tày thường sống trong những ngôi nhà sàn, còn người H’mông thường sống kín đáo hơn trong những ngôi nhà làm bằng tường đất (nhà trình tường). Tất cả những nét đặc trưng văn hóa đó tạo nên một cộng đồng văn hóa các dân tộc rất phong phú và đặc sắc.
Tận dụng yếu tố về địa hình, nét văn hóa độc đáo kết hợp với những ưu thế thiên nhiên ban tặng, người dân địa phương đã phát triển mô hình du lịch khám phá địa chất, gắn với du lịch văn hóa dân gian, du lịch tâm linh… Một số gia đình đã kết hợp cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng sau chặng hành trình du lịch dài ngày, chế biến và phục vụ du khách nhiều món ăn mang đậm văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc miền núi như các món ăn từ thịt gà (gà đồi), thịt bò khô, lợn đen, rau núi (rau Tầm Bóp, rau Rớn....); các loại rượu vùng cao như rượu ngô, rượu thóc. Với dịch vụ này, nhiều gia đình đã tăng thu nhập đáng kể, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và lưu thông hàng hóa từ những sản phẩm do chính bà con làm ra. Bình quân, mỗi hộ khi tham gia làm du lịch cộng đồng đã có thu nhập từ 10- 20 triệu/năm; đã có những hộ có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Thấy được những lợi ích từ việc tham gia làm du lịch cộng đồng, nhiều nơi, bà con còn tích cực trồng các loại cây cảnh với kiến trúc vườn rừng, kết hợp với phát triển làng du lịch sinh thái cộng đồng để thu hút khách du lịch đến tham quan, như: Thôn Khiềm, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang; xã Tiên Kiều (Quang Bình), Thôn Tha, xã Phương Độ, huyện Vị Xuyên, Thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang...
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 46 LVHDLCĐ đã và đang được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Trong đó có 29 làng đã được ra mắt chính thức, 17 làng đang được đầu tư xây dựng. Đa số các làng đã ra mắt và hoạt động có tính khả thi là các làng của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Mông, và một số làng của các dân tộc ít người khácĐiển hình như: Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Tha, Tiến Thắng, Bản Tuỳ (TP Hà Giang), thôn Lùng Tao, Khuổi Lác (Vị Xuyên), thôn Nậm An, Bản Khiềm (Bắc Quang), thôn My Bắc (Quang Bình), thôn Làng Giang - Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), thôn Nấm Dẩn (Xín Mần),thôn Bản Lạn (Bắc Mê), thôn Nặm Đăm (Quản Bạ), thôn Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn), thôn Bản Tòng (Mèo Vạc). ngoài ra, còn có nhiều điểm du lịch cộng đồng khác cũng được chú trọng đầu tư phát triển như: làng văn hóa dân tộc Mông xã Lùng Tám, (Quản Bạ), làng dân tộc Giáy thôn Lục Bản (thị trấn Yên Minh); làng văn hóa dân tộc Lô Lô Chải xã Lũng Cú (Đồng Văn); làng văn hóa dân tộc Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà (Mèo Vạc), làng văn hóa Phố Cáo, xã Phố Cáo (Đồng Văn).

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Hà Giang ngày càng đông, trong đó có nhiều du khách nước ngoài và cả du khách trong nước, có nhiều đoàn khách lên tới vài chục người. Thời gian lưu trú của khách cũng tăng gấp đôi so với thời điểm trước, nhất là sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Để đáp ứng nhu cầu du lịch, thăm quan của du khách khi đến với Hà Giang, ngành du lịch Hà Giang đã mở rộng nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nhằm nâng cao nhận thức, trình độ của người dân trong việc, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời hướng dẫn người dân từng bước tham gia làm du lịch, tăng thu nhập. Hiện, du lịch cộng đồng đang được tỉnh Hà Giang xác định là một trong 3 ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế của tỉnh (du lịch - dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và công nghiệp chế biến).
Giải pháp cho phát triển du lịch công đồng, du lịch sinh thái:
Mặc dù các làng du lịch sinh thái hiện đang phát triển mạnh ở Hà Giang, nhưng đa số các làng du lịch cộng đồng này chưa được đầu tư đúng mức, chưa có quy mô và khoa học. Để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch cùng với thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Hà Giang, trong thời gian tới ngành du lịch của Hà Giang cần đề xuất với UBND tỉnh một số nội dung sau:

Về cơ chế chính sách: cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vì đây là lĩnh vực rất có tiềm năng phát triển. Tuy nguồn thu từ hình thức này không cao nhưng thông qua đầu tư vào lĩnh vực này, chúng ta sẽ đạt được một số mục tiêu sau: thứ nhất, du lịch cộng đồng sinh thái không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi sinh, là một hình thức giải trí lành mạnh, có thể khai thác bền vững. Thứ hai, du lịch sinh thái cộng đồng tạo thêm việc làm và thu nhập cho người nông dân, góp phần làm giảm nghèo cho người dân nông thôn. Thứ ba, du lịch công đồng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân tộc bản địa, nâng cao giá trị tinh thần cho mọi người, giúp quảng bá hình ảnh của Hà Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Về hạ tầng cơ sở: chú trọng xây dựng hạ tầng du lịch, mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm du lịch truyền thống để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; đầu tư xây dựng các cơ sở nghỉ dưỡng, nhà lưu trú, loại bỏ dần những cơ sở nhà nghỉ lưu trú đang bị xuống cấp, nhất là ở các huyện vùng cao như: Đồng Văn, Mèo Vạc.. đầu tư xây dựng hà tầng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cần thiết giữ gìn và bảo về những cảnh quan nguyên sơ không có tác động của con người.

Đào tạo nguồn nhân lực: tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, tiếp viên ở các điểm du lịch, để từng bước chuyên nghiệp hóa, nhất là trong giao tiếp (chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Trung). Đào tạo, tập huấn cho người dân nông thôn biết cách khai thác các dịch vụ một cách chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ. Ngoài đào tạo nghiệp vụ cho người dân, cần đầu tư phát triển các làng nghề để cung cấp và bán các sản phẩm thống cho du khách.
Để có thể quản lý và khai thác đúng mức nguồn tiềm năng về du lịch, cần phải có cơ chế chính sách hợp lý, đồng bộ, sự thống nhất của các ngành trong việc khuyến khích các dịch vụ phát triển, vì khi cả ba yếu tố trên được chú trọng, du lịch công đồng sinh thái sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch Hà Giang hiện tại và trong tương lai.

(Sưu tầm : Phan Bảo Khuê)

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More