Hạt lúa vàng là món quà tuyệt vời của tạo hóa dành cho cả vùng Đông Nam Á. Loại hạt này đã trở thành nguồn sống chính của cư dân nhiều vùng trong khu vực, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
| |
"Nền văn minh lúa nước" là cách gọi chung đối với những vùng phát triển nghề trồng lúa gạo, không phân biệt lúa trồng dưới nước hay trên cạn. Các di chỉ khai quật cho thấy, dấu tích của hạt lúa đã có ở nước ta từ cách đây 33 thế kỷ. Trên trống đồng và nhiều cổ vật có điêu khắc cũng xuất hiện hình ảnh bông lúa. Lúa gạo là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt Nam, thế nhưng việc trồng lúa thì không phải ở đâu cũng dễ dàng mà lắm lúc gian nan.
Ở đồng bằng Bắc Bộ, do thời tiết không thuận lợi nên trồng lúa vụ nào người nông dân cũng có cái lo riêng của vụ ấy. Vụ đông xuân thì phải lo chống rét vì xuống giống sẽ gặp nhiệt độ thấp. Vụ hè thu thì lo đưa nước về chống hạn. Sau đợt hạn phải lo tới đê điều để chống úng, chống ngập khi vào mùa mưa bão. Trồng lúa ở trên núi còn nhiều khó khăn hơn nữa: thiếu đất, thiếu nước, độ dốc lớn, vận chuyển vất vả, mọi việc đều phải dựa vào sức người vì không thể đưa được máy móc lên đến chỗ trồng lúa. Vậy mới thấy, những thảm lúa chín vàng óng ở miền sơn cước đẹp nao lòng khách viếng thăm quả thật là tuyệt tác của bàn tay con người.
Đồng bằng sông nước là điều kiện lý tưởng dành cho việc trồng lúa, nhất là vùng châu thổ của những con sông lớn như Cửu Long. Không những sẵn lượng nước cực lớn, đất của những cánh đồng nơi đây còn được bồi đắp phù sa nên rất phì nhiêu. Chính vì được thiên nhiên hậu đãi nên hình ảnh những ruộng lúa "thẳng cánh cò bay" rất dễ thấy ở đây.
Nhằm ghi lại những hình ảnh đẹp về loài cây đã gắn bó với đất nước ta hàng ngàn năm, đạo diễn - NSƯT Cổ Trường Sinh và ekip đã thực hiện tập phim tài liệu "Ngày mùa", xoay quanh câu chuyện về cuộc sống của cư dân ba miền trong quá trình tạo ra "hạt ngọc của trời". Đón xem trên HTV9 lúc 14g ngày 17/8.
(Sưu tầm : Phan Bảo Khuê)
| |